Triển khai giao dịch điện tử: Cơ quan BHXH nỗ lực, DN hưởng ứng

11/05/2015 08:06 AM


Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị và “chạy thử”, ngày 4/5, ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, BHXH các địa phương đã bắt tay vào thực hiện giao dịch điện tử với thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của BHXH Việt Nam. Theo ghi nhận của các phóng viên và cộng tác viên của Báo, trong những ngày này, chủ trương và những nỗ lực của cơ quan BHXH đã được nhiều DN hưởng ứng.

 

Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị và “chạy thử”, ngày 4/5, ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, BHXH các địa phương đã bắt tay vào thực hiện giao dịch điện tử với thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của BHXH Việt Nam. Theo ghi nhận của các phóng viên và cộng tác viên của Báo, trong những ngày này, chủ trương và những nỗ lực của cơ quan BHXH đã được nhiều DN hưởng ứng.

Giao dịch giữa cơ quan BHXH và doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh

Tại Hồ Chí Minh:

Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Trưởng phòng Thu BHXH TP.HCM cho biết: Trong ngày 4/5, nhiều đơn vị SDLĐ đã liên hệ với BHXH Thành phố để nhờ tư vấn cách sử dụng giao dịch điện tử (GDĐT). Tính đến thời điểm này, BHXH Thành phố đã tổ chức hướng dẫn sử dụng, bàn giao cho khoảng 80% trong tổng số 6.700 DN do Phòng Thu quản lý. Dự kiện, trong tháng 5/2014 việc tập huấn, bàn giao chương trình GDĐT cho các đơn vị sẽ xong. Riêng đối với một số DN lớn, sử dụng đông lao động như Công ty Pou Yuen, Công ty Freetrend… BHXH TP.HCM phối hợp với Công ty TS 24 xuống tận đơn vị để hướng dẫn.

Để mở rộng số đơn vị thực hiện GDĐT, nhiều BHXH Thành phố và BHXH quận, huyện đã tổ chức tốt công tác tập huấn, tuyên truyền, hỗ trợ cho các đơn vị SDLĐ; giao chỉ tiêu cụ thể cho từng chuyên viên chuyên quản thu. Hằng tuần, BHXH quận, huyện và Phòng Thu báo cáo số liệu để vận động các đơn vị thực hiện… phấn đấu đến quý II/2015, hầu hết các đơn vị sẽ thực hiện phương thức giao dịch này.

Tại Bình Dương:

Theo ông Bùi Hữu Phong- Giám đốc BHXH Bình Dương, tính đến ngày 4/5, tại Bình Dương đã có hơn 100 DN tham gia GDĐT. Để thực hiện tốt phương thức này, BHXH Bình Dương đã phối hợp với Công ty TS24 tập huấn phần mềm iBHXH cho hơn 1.200 đơn vị, DN tham gia BHXH đóng trên địa bàn. Bước đầu hình thức GDĐT đã được các DN hưởng ứng.

Trao đổi với chúng tôi, chị Huỳnh Thị Linh- cán bộ nhân sự Công ty TNHH điện tử Sin ya Young (KCN VSIP, thị xã Thuận An) cho biết: So với việc giao dịch BHXH bằng hồ sơ giấy thì giao dịch BHXH điện tử tiện ích hơn rất nhiều: Rút ngắn được thời gian liên hệ giữa DN và cơ quan BHXH; việc giải quyết công việc liên quan đến chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ cũng nhanh gọn. Đơn cử trước đây việc báo tăng, giảm lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp DN đều phải in mẫu sau đó kê khai và đến tận cơ quan BHXH để báo cáo, nay chỉ cần ngồi tại Công ty kê khai theo phần mềm và chuyển qua mạng cho cơ quan BHXH là xong.

Tại Đồng Nai:

Từ ngày 1/4, BHXH Đồng Nai triển khai thực hiện dịch vụ bưu điện và GDĐT trong việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC về BHXH, BHYT. Qua 1 tháng triển khai đã có 1.566/5.512 đơn vị SDLĐ đăng ký thực hiện và 593 đơn vị đã nộp 1.578 hồ sơ GDĐT.

Nhìn chung, bước đầu triển khai GDĐT, hầu hết các đơn vị chưa quen, nên còn đang tìm hiểu, nắm bắt thêm. BHXH Đồng Nai đang khẩn trương tập huấn, chuyển giao để đến cuối tháng này đạt 80% số đơn vị, đến 30/6/2015 đạt 100% số đơn vị tham gia GDĐT.

Tại Bà Rịa- Vũng Tàu:

Theo ông Đặng Hồng Tuấn- Phó Giám đốc BHXH Bà Rịa-Vũng Tàu, việc thực hiện Quy trình giao dịch hồ sơ điện tử trên địa bàn được thực hiện song hành với Quy trình tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế “Một cửa” hiện hành.

Để thực hiện thành công phương thức giao dịch mới này, trước đó BHXH tỉnh đã phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn triển khai cho các đơn vị SDLĐ trên địa bàn; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, DN quy trình hồ sơ, TTHC về BHXH, BHYT bằng hình thức GDĐT.

Hiện toàn tỉnh mới có hơn 20 DN tham gia GDĐT, nhưng BHXH tỉnh đã đặt mục tiêu đến ngày 30/6 đạt 70% và chậm nhất đến ngày 30/9/2015 đạt 100% DN có phát sinh TTHC với cơ quan BHXH thực hiện GDĐT. Song song với “Quy trình giao dịch BHXH điện tử” áp dụng cho các đơn vị SDLĐ tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, hiện nay BHXH tỉnh mở rộng giao dịch BHXH qua mạng đến các đại lý thu BHXH, BHYT tại các phường, xã, thị trấn trên địa bàn.

Tại Hải Dương:

Trên cơ sở kế hoạch triển khai GDĐT đối với thủ tục đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, BHXH tỉnh đã tập trung chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện, thị xã, thành phố thực hiện. Cùng với việc tiếp nhận đăng ký tham gia GDĐT của các đơn vị SDLĐ, cấp tài khoản đăng nhập phần mềm và chữ ký số thử nghiệm…, Giám đốc BHXH tỉnh đã yêu cầu các tổ triển khai GDĐT tiếp tục lựa chọn những đơn vị SDLĐ đáp ứng được yêu cầu GDĐT hỗ trợ cài đặt phần mềm, hướng dẫn cho cán bộ làm công tác BHXH của đơn vị SDLĐ sử dụng phần mềm kê khai và tham gia GDĐT với cơ quan BHXH; hướng dẫn cán bộ nghiệp vụ thu, cấp sổ thẻ, tiếp nhận hồ sơ sử dụng phần mềm trong công tác tiếp nhận và xử lý hồ sơ điện tử; lập đường dây nóng hỗ trợ... Dự kiến, đến ngày 31/6, BHXH tỉnh Hải Dương có 70% và đến ngày 30/9/2015 đạt 100% số đơn vị đăng ký tham gia GDĐT.

Tại Nghệ An:

Trong ngày 4/5, BHXH Nghệ An đã tiếp nhận hồ sơ GDĐT của 2 đơn vị SDLĐ trên địa bàn. Trước đó, ngay sau khi có quyết định của BHXH Việt Nam về thực hiện GDĐT, BHXH tỉnh Nghệ An đã tổ chức tập huấn nội bộ; triển khai tập huấn việc thực hiện GDĐT trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT cho 30% số đơn vị. Dự kiến hết năm 2015, 100% các đơn vị SDLĐ trên địa bàn sẽ được triển khai.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Nghệ An ban hành Quy định về hồ sơ, quy trình tiếp nhận, luân chuyển và thời hạn giải quyết các TTHC về BHXH, BHYT. Trong đó quy định cụ thể cho từng TTHC của từng nhóm đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Song song với việc triển khai thí điểm phần mềm 3s, BHXH Nghệ An sẽ dựa vào 3s để đưa ra quy trình tiếp nhận GDĐT.

Tại Quảng Ninh:

Từ năm 2014, BHXH tỉnh Quảng Ninh đã cài đặt phần mềm Tiếp nhận hồ sơ (eBHXH) để tiếp nhận hồ sơ giấy và hồ sơ điện tử cho văn phòng BHXH tỉnh và BHXH huyện; đồng thời triển khai cung cấp phần mềm kê khai hồ sơ qua mạng cho các cơ quan, DN do văn phòng BHXH tỉnh quản lý (trên 200 đơn vị. Toàn tỉnh hiện có 18 đơn vị thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử qua mạng (hình thức chuyển hồ sơ qua mạng và nộp hồ sơ giấy khi đến nhận kết quả). BHXH tỉnh và các đơn vị BHXH huyện cũng đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ giấy qua phần mềm eBHXH được kết nối với Trung tâm hành chính công tại địa phương.

BHXH tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo về GDĐT trong lĩnh vực nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thành lập BCĐ và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. BHXH tỉnh cũng phối hợp tổ chức triển khai tập huấn phần mềm iBHXH và iQLBH cho cán bộ trong đơn vị và đào tạo, tập huấn cho trên 1.500 đơn vị thuộc khối HCSN, cơ quan đảng đoàn thể và DN do văn phòng BHXH tỉnh, BHXH các Thành phố, Thị xã: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên quản lý; tiếp nhận user, mật khẩu đăng nhập, chữ ký số thử nghiệm do công ty TS24 cung cấp để triển khai đến các đơn vị. Cơ quan BHXH cũng thành lập 15 tổ hỗ trợ triển khai GDĐT từ tỉnh đến huyện…

Tại Bắc Ninh:

Dù là phương thức mới triển khai, nhưng BHXH tỉnh Bắc Ninh đã đề ra mục tiêu: Đến ngày 30/6 đạt 70% số DN; đến ngày 30/9/2015 đạt 100% số DN tham gia GDĐT.

Xác định đây là trọng điểm trong nhiệm vụ CCTTHC nên ngay từ năm 2014, BHXH tỉnh đã tổ chức các Hội nghị tập huấn cho CBCCVC, đơn vị SDLĐ đồng thời quán triệt tinh thần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, quyết tâm đạt hiệu quả cao trong triển khai phương thức giao dịch này.

Bắt đầu từ tháng 5/2015, BHXH tỉnh đã chính thức triển khai giao dịch qua mạng. Để tăng cường thực hiện phương thức này, BHXH tỉnh đã yêu cầu các phòng nghiệp vụ có liên quan phối hợp với BHXH các huyện, thị xã, thành phố tích cực tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện GDĐT cho các DN, yêu cầu các DN tích cực thực hiện. Thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ phối hợp tổ chức tập huấn cho các đơn vị SDLĐ theo địa bàn từng huyện, thị xã, thành phố (đối với những DN có từ 20 lao động trở lên). Dự kiến, từ ngày 12/5/2015 đến ngày 26/5/2015, BHXH tỉnh sẽ tổ chức tập huấn cho khoảng 500 DN trên địa bàn.

Tại Bắc Giang:

Từ ngày 1/5/2015, BHXH tỉnh đã chính thức thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tham gia BHXH, BHYT trong GDĐT. Đã có 230 DN đăng ký GDĐT, tuy nhiên hiện mới chỉ có 15 DN có thể giao dịch thành thạo.
Trước đó, ngày 22/4, BHXH tỉnh đã ban hành văn bản về việc triển khai GDĐT; giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chức năng như việc chuẩn bị hạ tầng CNTT và tiếp nhận phần mềm do BHXH Việt Nam cung cấp để thực hiện GDĐT xong trước 30/4/2015. Đồng thời hoàn thiện dữ liệu quá trình tham gia BHXH, BHYT của cá nhân, tổ chức để kết nối trong toàn tỉnh và tập trung về BHXH Việt Nam.

BHXH tỉnh cũng đã tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ cho các CCVC đồng thời tập huấn cho 230 DN trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện GDĐT việc đóng BHXH, BHYT và BH thất nghiệp. Đặc biệt, từ tháng 4/2015, BHXH tỉnh đã thành lập Tổ hỗ trợ kê khai để trực tiếp xuống các DN hỗ trợ việc thực hiện GDĐT.

Trong thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Tổ hỗ trợ kê khai để có thêm nhiều DN thành thạo trong thực hiện giao dịch. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc thực hiện GDĐT tới các DN.

baobaohiemxahoi.vn/