BHYT Hộ gia đình

01/01/2019 12:00 AM


   

1. Đối tượng:

a) Toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu (trừ đối tượng đã tham gia BHYT theo các nhóm khác và người đã khai báo tạm vắng).

b) Toàn bộ những người có tên trong sổ tạm trú (trừ đối tượng đã tham gia BHYT theo các nhóm khác).

Lưu ý: Đối với hộ gia đình tham gia BHYT đã có người tham gia BHYT tự đóng 100% mức đóng, nếu sau ngày 01/01/2015 tiếp tục tham gia BHYT thì thực hiện cho cá nhân người đó hoặc theo hộ gia đình; những người còn lại trong hộ gia đình chưa tham gia BHYT, khi tham gia BHYT thì bắt buộc thực hiện theo hộ gia đình. Từ 01/01/2016 trở đi, toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú thực hiện tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Ví dụ: Gia đình ông B có 06 người có tên trong sổ hộ khẩu, trong đó có 01 người hưởng lương hưu, 01 người là công chức; ngoài ra, có 01 người ở địa phương khác đến đăng ký tạm trú. Số người tham gia BHYT theo hộ gia đình ông B là 5 người (gồm 4 người có tên trong sổ hộ khẩu và 1 người tạm trú chưa tham gia BHYT ở các nhóm khác).

2. Mức đóng

 Mức đóng: 4,5% mức lương cơ sở/tháng (Hiện nay mức lương cơ sở (tối thiểu chung) là 1.150.000đ/tháng áp dụng từ 01/7/2013 quy định tại Nghị định 66/2013/NĐ-CP và Thông tư 07/2013/TT-BNV)

Tham gia từ người thứ hai trở đi được giảm trừ mức đóng như sau:

+ Người thứ nhất: Đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;

+ Người thứ 2: Đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất;

+ Người thứ 3: Đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất;

+ Người thứ 4: Đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất;

+ Người thứ 5 trở đi: Đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Ví dụ:Trường hợp gia đình ông B ở trên có 05 người tham gia BHYT thì mức đóng của các thành viên theo phương thức 6 tháng như sau:

+ Người thứ nhất: 4,5%  x  1.150.000đ  x 6 tháng = 310.500 đồng/6 tháng

+ Người thứ hai:     70% x 310.500 đ = 217.350 đồng/6 tháng

+ Người thứ ba:      60% x 310.500 đ = 186.300 đồng/6 tháng

+ Người thứ tư:       50% x 310.500 đ = 155.250 đồng/6 tháng

+ Người thứ năm:  40% x 310.500 đ = 124.200 đồng/6 tháng

Tổng cộng: 993.600 đồng/6 tháng = 1.987.200 đồng/năm

3. Phương thức đóng:

Định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, người đại diện hộ gia đình trực tiếp nộp tiền đóng BHYT cho tổ chức Bảo hiểm xã hội hoặc đại lý thu BHYT.

4. Mức hưởng khi khám, chữa bệnh:

a) Khi đi khám, chữa bệnh(KCB) đúng quy định (đúng nơi đăng ký KCB ban đầu, cấp cứu, hoặc được chuyển tuyến) thì được quỹ BHYT thanh toán như sau:

100% chi phí khám, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí chomột lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (172.500 đồng).

- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã.

100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT5 năm liên tục trở lên số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (6.900.000 đồng), trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.

- 100 % chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT đối với các đối tượng có mã thẻ: HN (Hộ nghèo), DT (Người dân tộc sống tại vùng khó khăn), CC và CK (Người có công với cách mạng), TE (Trẻ em dưới 6 tuổi), CB (Cựu chiến binh), KC (Người tham gia kháng chiến), DK (Người sống ở vùng đặc biệt khó khăn), XD (Người sống ở xã đảo, huyện đảo), BT (Bảo trợ xã hội), TS (Thân nhân người có công; người nuôi dưỡng liệt sỹ), QN (Quân nhân), CA (Công an), CY (Người làm công tác cơ yếu).

- 95 % chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT đối với các đối tượng có mã thẻ: HT(Hưu trí, trợ cấp mất sức), TC (Thân nhân người có công), CN (Hộ cận nghèo).

80% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYTđối với các trường hợp khác.

b) Người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn/đặc biệt khó khăn (thẻ BHYT có ký hiệu K1, K2) khi tự đi KCB không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB đối với bệnh viện tuyến huyện (ngoại trú và nội trú), điều trị nội trú đối với tuyến tỉnh, tuyến trung ương và có mức hưởng theo quy định tại khoản a.

c) Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến được thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản a theo tỷ lệ sau:

- Tại bệnh viện tuyến trung ương40% chi phí điều trị nội trú.

- Tại bệnh viện tuyến tỉnh60% chi phí điều trị nội trú từ 01/01/2015 đến ngày 31/12/2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/ 01/2021 trong phạm vi cả nước.

- Tại bệnh viện tuyến huyện70%chi phí khám, chữa bệnh từ 01/01/2015 đến ngày 31/12/2015; 100% chi phí khám, chữa bệnh (cả nội trú lẫn ngoại trú) từ ngày 01/01/2016.

Lưu ý:“Điều trị nội trú" là việc người bệnh phải nhập viện theo yêu cầu của bác sỹ để điều trị (có giấy đăng ký nhập và xuất viện).

 "Điều trị ngoại trú" là việc người bệnh điều trị y tế theo chỉ định của bác sỹ nhưng không nhập viện nội trú.

Ví dụ:Trường hợp ông A đi khám chữa bệnh nội trú trái tuyến (không phải cấp cứu) có trình thẻ BHYT tại bệnh viện tuyến trung ương, chi phí khám chữa bệnh BHYT nội trú của ông A là 1.000.000 đồng, ông A sẽ được hưởng quyền lợi như sau: 1.000.000 đồng x 80% x 40% = 320.000 đồng.

c) Từ ngày 01/01/2016, người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa khu vực hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa khu vực hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh, có mức hưởng theo quy định tại khoản a.

d) Từ ngày 01/01/2021, quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng như khoản a cho người tham gia BHYTkhi tự đi KCB không đúng tuyếntại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.

e) Trường hợp người có thẻ BHYT đi công tác, đi học hoặc tạm trú tại nơi khác thì được KCB tại cơ sở KCB tương đương với cơ sở KCB ban đầu ghi trên thẻ.

5. Một số lưu ý khi sử dụng thẻ BHYT:

- Thẻ BHYT hết hạn sử dụng:

+ Nếu tham gia gián đoạn từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày lập thủ tục và nộp tiền.

+ Nếu gián đoạn dưới 3 tháng: Thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 10 ngày kể từ ngày nộp tiền.

Ví dụ:

Thẻ hết hạn từ 30/06/2015, nếu nộp tiền ngày 15/08/2015 thì sẽ được cấp thẻ để sử dụng từ 24/8/2015.

- Kiểm tra thông tin trên thẻ:Người dân khi nhận được thẻ BHYT từ cơ quan quản lý đối tượng hoặc đại lý thu cần chú ý kiểm tra các thông tin trên thẻ như: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ.

+ Trường hợp phát hiện thẻ BHYT có sai sót thì có thể trực tiếp đến cơ quan BHXH hoặc liên hệ với đại lý thu để tiến hành đổi lại thẻ.

+ Hồ sơ đổi lại thẻ bao gồm: Thẻ BHYT sai thông tin (còn hạn sử dụng), chứng minh thư nhân dân hoặc sổ hộ khẩu gia đình (phô tô qua chứng thực của UBND xã hoặc có xác nhận đã đối chiếu với bản gốc của đại lý thu BHYT hoặc bộ phận tiếp nhận hồ sơ - cơ quan BHXH).

- Hoàn trả tiền đóng BHYT:Người tham gia BHYT theo hộ gia đình đã đóng đủ tiền nhưng sau đó chuyển sang tham gia BHYT theo đối tượng khác (như cán bộ, công chức, viên chức, đối tượng được Ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng BHYT như hộ gia đình nghèo, cận nghèo...) sẽ được cơ quan BHXH xem xét chuyển trả lại số tiền được xác định là đóng trùng. Hồ sơ hoàn trả gồm:

  + Đơn của người tham gia (theo mẫu D01-TS có tại Đại lý thu BHYT).

  + Thẻ BHYT còn hạn sử dụng (nếu đã được cấp).

  • TIN BÀI LIÊN QUAN