“Bùa hộ mệnh” BHYT

22/05/2019 08:13 AM


Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương là “tâm điểm” của các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, với nhiều công nghệ hiện đại được áp dụng để khám, chữa bệnh. Chỉ tính riêng chi phí chữa bệnh Hemophilia (bệnh chảy máu kéo dài) mỗi bệnh nhân trung bình phải lên tới 400 - 500 triệu đồng/năm. Đặc thù bệnh này là người bệnh phải nằm viện điều trị trong nhiều năm nên số tiền chi phí điều trị lên tới cả tỷ đồng. Các bác sỹ cho rằng, không có BHYT thì người bệnh chỉ về nhà chờ chết, nên trên 90% bệnh nhân đến đây đều tham gia BHYT. Có thể nói, thẻ BHYT được coi như “tấm bùa hộ mệnh” cho người bệnh khi chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo với chi phí điều trị lớn.

 

Xót xa đời “tầm gửi”

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương lúc nào cũng rất đông bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Chúng tôi cảm nhận rõ về sự chuyên nghiệp, sự tận tâm của đội ngũ y bác sỹ nơi đây trong việc góp phần đưa chính sách BHYT phát huy tính ưu việt “cứu cánh” bao mảnh đời khốn khó, tạo sức lan tỏa trong xã hội. Mỗi bệnh nhân khi được hỏi đều nhận thấy việc tham gia BHYT rất quan trọng, không những đỡ đi gánh nặng chi phí điều trị, mà còn có tính nhân văn với cộng đồng, xã hội. Các bác sỹ nơi đây như những tuyên truyền viên nhiệt huyết, luôn tư vấn mọi người nên tham gia BHYT, vì đó là quyền lợi sát sườn nhất để chữa bệnh trong bối cảnh giá dịch vụ y tế tăng cao.

Tại bệnh viện, có cơ hội tiếp xúc, tận mắt chứng kiến những mảnh đời mang trong mình bệnh Hemophilia (bệnh chảy máu kéo dài) và ung thư máu, chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy cảnh em nhỏ khóc khàn cả tiếng khi ngày nào cũng phải tiêm, người lớn tuổi nằm liệt giường với nhiều bịch truyền mang trên người hay những ánh mắt người nhà bệnh nhân đượm buồn, khắc khoải. Đau lòng hơn, khi bị bệnh này, người bệnh phải gắn cả cuộc đời mình như “cây tầm gửi” với bệnh viện. Và chỉ có chính sách BHYT mới giúp họ vượt qua khó khăn kinh tế để chữa bệnh.

Mặt bơ phờ, hơi thở yếu khó cất lời, trên người nhiều vết loang lổ, bà Trương Thị Lởi (52 tuổi, quê xã Đông Quang, Gia Lộc, Hải Dương) là người mắc bệnh Hemophilia nặng với chi phí điều trị lên tới 01 tỷ đồng được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí. Con gái bệnh nhân Trương Thị Lởi chia sẻ: Ai cũng mơ về ngôi nhà nơi đoàn tụ ngập tràn nụ cười hạnh phúc. Nhưng số phận khiến hạnh phúc vội vàng tuột khỏi tầm tay. Khi mẹ tôi ốm, hôm đó tôi và gia đình tất tả đưa mẹ đến bệnh viện. Trời đất như sụp đổ dưới chân khi gia đình biết tin mẹ tôi bị bệnh Hemophilia. Số tiền chi phí điều trị bệnh này chỉ nghe thôi mà tay chân đã rụng rời bởi gia đình vốn là gia đình thuần nông, cày cấy quanh năm mới được một vài tấn thóc, tiền triệu còn chưa ai dám nghĩ tới chứ đừng nói là tiền trăm triệu, tiền tỷ. May sao bác sỹ nói bệnh của mẹ tôi nếu có thẻ BHYT sẽ được chi trả phần lớn tiền điều trị. Mẹ tôi bắt đầu điều trị bệnh từ cuối năm 2013, từ đó đến nay, trung bình đi điều trị đến 4 - 5 lần. Những lần điều trị trước chi phí lên tới 700 triệu đồng – 800 triệu đồng, lần này thì lên tới 01 tỷ đồng, đều được Quỹ BHYT chi trả 100%. Nếu không có thẻ BHYT, gia đình có thể đã lâm vào đường cùng, vì thế tôi luôn tâm niệm, chính sách BHYT rất nhân văn, thiết thực và mang lại niềm hy vọng sống cho những bệnh nhân nghèo. Là người điều trị trực tiếp bệnh nhân Trương Thị Lởi, ThS.Nguyễn Thị Mai, Trưởng Trung tâm điều trị Hemophilia (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) cho biết, do bệnh nhân sức khỏe yếu nên quá trình điều trị rất tốn kém, chỉ tính riêng lần điều trị này chi phí lên tới 01 tỷ đồng và bệnh phải điều trị trong nhiều năm. Đây là bệnh nhân điển hình được Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị, nếu không có thẻ BHYT, bệnh nhân khó lòng chịu được gánh nặng chi phí lớn như thế.

Nằm kế bên bệnh nhân Trương Thị Lởi là em Hướng Hải Ảnh (12 tuổi, quê ở Yên Dũng, Bắc Giang, hiện đạng cư trú tại Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) bị mắc bệnh Hemophilia tan máu bẩm sinh. Năm 06 tuổi, em bị xuất huyết não và biến chứng bại não hoàn toàn không đi lại được. Đang trong độ tuổi đi học như bao trẻ em khác, vậy mà sự hồn nhiên, ngây thơ bị đánh đổi bởi cơn đau sau mỗi lần điều trị bệnh tật; những muộn phiền của cha, giọt nước mắt của mẹ và sự nhẫn nại của bà nội Bùi Thị Bình (64 tuổi) theo cháu đi điều trị bệnh từ bé. “Người bạn” đồng hành để em yên tâm điều trị là tấm thẻ BHYT, với chi phí thanh toán 100%. Bà Bùi Thị Bình cảm động tâm sự, chính sách BHYT rất ưu việt và là nguồn lực quan trọng giúp người bệnh điều trị, giảm chi phí rất lớn, mang lại niềm hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân nơi đây.

Thẻ BHYT “cứu cánh” của bệnh nhân

Tiếp tục xuống Khoa Điều trị hóa chất đúng giờ nghỉ trưa, song các bác sỹ, y tá vẫn tất bật với các trường hợp cấp cứu, nhiều giấy tờ, sổ sách, cũng như khám, chữa bệnh, điều trị bệnh nhân chưa ngừng. Với phương châm “tất cả vì người bệnh”, nên đội ngũ y, bác sỹ luôn tận tâm kể cả ngoài giờ làm việc. Là người không tham gia BHYT, anh Lừ Văn Phớ (dân tộc Thái, sinh năm 1977, ngụ tại bản Kho Vàng, xã Viềng Lán, Yên Châu, Sơn La) nhớ lại thời gian chữa bệnh của mình với nhiều gian nan, có lúc tưởng không thể chữa khỏi khi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu mãn tính với chi phí điều trị rất cao. Anh Phớ phát hiện bệnh từ tháng 02/2017 sau lần ốm nặng đưa đi cấp cứu. Là lao động chính trong nhà, từ ngày anh Phớ bị bệnh nằm biệt ở bệnh viện, hoàn cảnh gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn cùng cực hơn. Vào viện với tình trạng không tham gia BHYT, “trăm dâu đổ đầu tằm” vợ anh là chị Lò Thị Yên, vì mức giá dịch vụ y tế điều trị cho chồng quá lớn. Chỉ trong vòng 01 tháng, chi phí điều trị cho anh Phớ lên tới 20 triệu đồng, mặc dù các bác sỹ đã chỉ định hạn chế tối đa để giảm chi phí cho anh. 20 triệu đồng tuy không lớn với gia đình bình thường nhưng đối với hộ nghèo như anh chị là cả gia tài, vì thu nhập cả nhà một tháng có 2-3 triệu, bình thường chỉ đủ ăn. Nhiều lần, anh Phớ xin về... chờ chết; tuy nhiên, nhận thấy anh vẫn còn cơ hội chữa trị nên các bác sỹ đã động viên gia đình để anh lại điều trị, với nỗ lực của gia đình, tập thể bác sỹ Khoa Điều trị hóa chất, sự chung tay chia sẻ của các nhà hảo tâm thông qua Phòng Công tác xã hội, để anh Phớ có thể tham gia BHYT. Trút bỏ tấm áo bệnh nhân, làm thủ tục xuất viện, niềm vui khôn tả được thể hiện rõ trên khuôn mặt vợ chồng anh Phớ. Không giấu được niềm hạnh phúc, anh Phớ gửi lời cảm ơn đội ngũ y bác sỹ và chính sách BHYT đã giúp anh trở về cuộc sống thường ngày, vui cùng gia đình. Chị Yên cho biết, trước đây do gia đình nghèo nên chưa hiểu rõ việc tham gia BHYT quan trọng như nào, qua biến cố của anh Phớ, chị và gia đình mới thực sự nhận thức được tầm quan trọng chính sách BHYT.

Là người chăm sóc cho bệnh nhân Lừ Văn Phớ, điều dưỡng Nguyễn Hoàng Hà, Khoa Điều trị hóa chất, cho biết: Chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân sau 02 đợt điều trị. Lần đầu tiếp nhận bệnh nhân Phớ trong tình trạng bệnh rất nặng, chẩn đoán ung thư máu mãn tính, các bác sỹ phải điều trị để giảm bớt biến chứng và nhiễm trùng máu. Bệnh nhân không tham gia BHYT nên quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn vì chi phí điều trị bệnh rất tốn kém. Không chỉ vậy, các bác sỹ cũng gặp khó khăn trong lựa chọn phương án điều trị. Sau thời gian chống chọi, người nhà bệnh nhân không chịu được chi phí lớn đành xin cho bệnh nhân ra viện chờ chết, bệnh viện mặc dù không muốn nhưng lúc đó bệnh nhân cũng đã qua cơn nguy kịch nên để bệnh nhân về. Trước hoàn cảnh bệnh nhân Phớ, các bác sỹ ai cũng đồng cảm, thương xót nên cùng với Phòng Công tác xã hội vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí điều trị; tư vấn để bệnh nhân tự nguyện tham gia BHYT tiếp tục điều trị. Nhờ vậy, đến nay, bệnh nhân đã bình phục, sức khỏe tốt hơn. Hiện nay ung thư máu mãn tính đã có thuốc điều trị rất khả quan, đây là thành tựu lớn cho ngành Y tế, rất nhiều bệnh nhân điều trị tốt có thời gian sống rất dài và sinh hoạt như người bình thường. Đối với bệnh nhân Phớ, chi phí điều trị bệnh này rất cao một năm tiền thuốc lên tới 500 triệu đồng, bởi đặc thù là người bệnh cứ 1 - 2 tuần quay lại tái khám và lấy thuốc. Nếu thời gian sau tình trạng sức khỏe tốt, 01 tháng quay lại 01 lần và tính ra chí phí mỗi ngày tiền thuốc lên tới 01 triệu 700 nghìn đồng/ngày. Hiện nay, với việc tham gia BHYT, bệnh nhân Phớ đã được Quỹ BHYT chi trả 80%, tương đương một năm bệnh nhân sẽ chi trả 100 triệu đồng (bằng 20%) trong tổng số 500 triệu đồng - đây là con số không nhỏ đối với người dân tộc. Như vậy, chính sách BHYT rất quan trọng với người dân và các hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện, giúp đỡ rất nhiều người bệnh yên tâm điều trị, giảm phần lớn chi phí khám, chữa bệnh.

“Choáng váng” chi phí điều trị cao

Đang trong giờ làm việc mồ hôi mướt trên trán, đi từng giường thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân, ThS.Nguyễn Thị Mai, Trưởng Trung tâm điều trị Hemophilia, cho biết: Bệnh Hemophilia là một rối loạn của hệ thống đông máu, gây chảy máu kéo dài và theo người bệnh suốt đời. Điều trị Hemophilia phải dài ngày và chi phí khá tốn kém, trung bình khoảng từ 400 - 500 triệu đồng/năm/bệnh nhân, nếu bệnh nhân nặng có thể lên tới cả tỷ đồng và người bệnh phải điều trị cả cuộc đời. Đó là số tiền không hề nhỏ với cả những người không nghèo nhưng nếu tham gia BHYT người bệnh sẽ được hỗ trợ chi trả tối đa từ 80%-100%. Chưa kể rủi ro và các vấn đề sức khỏe khác có thể đến bất kỳ lúc nào với tất cả mọi người, đặc biệt là người lao động trực tiếp. Là những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, các bác sỹ rất “thấm thía” tầm quan trọng và tính nhân văn của chính sách BHYT. Vì vậy, ThS.Nguyễn Thị Mai khuyến cáo, tham gia BHYT hàng năm sẽ là cứu cánh đắc lực đối với người dân, mọi người đừng vì chủ quan hay tiếc mấy trăm nghìn đồng mỗi năm để rồi khi lâm bệnh lại hối tiếc và đôi khi phải từ chối cơ hội điều trị cho bản thân hay người thân chỉ vì không đủ tiền chi trả.

Người dân sẽ an tâm khi có BHYT

Theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, từ ngày 01/06/2017, sẽ áp dụng giá viện phí mới cho hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có BHYT. Đây là mức giá đã được áp dụng đối với nhóm người có BHYT từ năm 2016. Điểm khác nhau ở chỗ, người có BHYT sẽ được Quỹ BHYT thanh toán từ 80 - 100% viện phí tùy theo đối tượng. Trong khi đó, người không có thẻ BHYT sẽ phải bỏ tiền túi ra chi trả viện phí, với nhiều dịch vụ có chi phí từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Theo mức viện phí mới, tiền khám và tiền giường bệnh sẽ tăng từ 02 đến 04 lần. Dưới góc độ người làm chính sách, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Lê Văn Phúc cho rằng: Quyết định của Bộ Y tế thúc đẩy sự tham gia BHYT của người dân, tạo sự công bằng hơn trong việc thực hiện chính sách chung. Ngược lại về phía người dân, nếu không tham gia BHYT, việc chi trả 100% các chi phí dịch vụ đối với các bệnh nhân trọng bệnh sẽ vô cùng tốn kém. Với việc kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí 03 yếu tố trực tiếp, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng 2 - 3 lần giá cũ và sẽ do người bệnh trả 100%. Vì vậy, người dân nên chủ động tham gia BHYT để giảm bớt chi phí khám, chữa bệnh khi viện phí tăng giá.

Hiện nay, theo thống kê của BHXH Việt Nam, số người tham gia BHYT hơn 80% dân số, như vậy vẫn còn gần 20% dân số chưa tham gia BHYT, bao gồm rất nhiều người cận nghèo, người có thu nhập trung bình... Trong khi đó, người nghèo, người có công, người già trên 80 tuổi, trẻ em dưới 06 tuổi đều đã được cấp BHYT miễn phí. Các đối tượng như cận nghèo, học sinh - sinh viên, nông dân, ngư dân, diêm dân có mức sống trung bình đều được hỗ trợ từ 30 đến 70%. Đối tượng cận nghèo ở nhiều tỉnh cũng được hỗ trợ thêm 10 - 20% mệnh giá thẻ BHYT. Như vậy, người dân chỉ còn phải bỏ ra số tiền rất nhỏ, từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/năm để mua thẻ BHYT. Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, trong đó BHYT hộ gia đình được xem là một trong những giải pháp quan trọng; qua hơn hai năm triển khai, phát triển BHYT nhóm đối tượng hộ gia đình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, làm tốt công tác phát triển BHYT hộ gia đình là dệt tấm “lưới đỡ” chắc chắn cho những người chưa thuộc bất kỳ nhóm đối tượng nào đã tham gia BHYT, bet365 tiếng việt_đặt cược bet365_cách vào bet365 đảm mọi người đều được BHYT bet365 tiếng việt_đặt cược bet365_cách vào bet365 vệ. Trong xu hướng tăng cao của chi phí y tế hiện nay, cá nhân, hộ gia đình hơn lúc nào hết cần tham gia BHYT nói chung, BHYT hộ gia đình nói riêng, để hạn chế gánh nặng tài chính khi rủi ro ốm đau, bệnh tật.

Để tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tăng cường các giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, nhất là vướng mắc trong việc phát triển đối tượng và việc tham gia BHYT theo hộ gia đình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHYT; đề xuất, tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1167/QĐ-TTg về điều chỉnh giao chỉ tiêu phát triển BHYT cho UBND các tỉnh, thành phố; tăng cường phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT và tin học hóa công tác giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Bên cạnh đó, hệ thống cơ quan BHXH chủ động, tích cực trong việc tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu và đề xuất các giải pháp cụ thể theo từng nhóm đối tượng, thông qua chỉ tiêu thực hiện BHYT trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và giai đoạn 2016 -2020 của các địa phương, trong đó chú trọng phát triển BHYT hộ gia đình…

Trong thời gian tới, để tăng hiệu quả công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra thực hiện việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời, đẩy mạnh triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết nghiệp vụ BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng khai thác, tuyên truyền chính sách, vận động người dân tham gia BHYT theo hướng chuyên nghiệp; hoàn thiện đồng bộ cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, triển khai cấp mã định danh cho người tham gia BHXH, BHYT…