Họ đã không kịp trở về nhưng vẫn luôn có mặt

30/04/2020 09:33 AM


Trong một đoạn hồi ký của mình, cố nhà thơ Viễn Phương có kể lại: Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân đợt 2, nhà thơ Lê Anh Xuân không thuộc những người được phân công xuống chiến trường ác liệt, nhưng anh cứ kiên quyết xin đi, vì theo anh, nếu chỉ ở trên căn cứ, thiếu không khí chiến trường thì không thể có bài thơ tốt cho Nhân dân, cho Tổ quốc.

Nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý tại Binh trạm 20 trên đường Trường Sơn năm 1968. Ảnh: T.L.G.Đ

Nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý tại Binh trạm 20 trên đường Trường Sơn năm 1968. Ảnh: T.L.G.Đ

Tuy không vừa lòng, nhưng người phụ trách trực tiếp lúc ấy là nhà văn Nguyễn Văn Bổng (Tám Nhàn) cũng đành nhượng bộ trước yêu cầu tha thiết của Xuân. Ngày hôm sau, Lê Anh Xuân cùng với Hồng Tân và Lê Văn Thảo vào trận. “Cho đến tận bây giờ tôi dường như vẫn còn nghe văng vẳng bên tai tiếng kêu “Trời ơi!” xé lòng xé ruột của anh Tám vào buổi chiều chạng vạng ấy, khi mấy hôm sau Lê Văn Thảo từ chiến trường trở lại một mình, báo tin Lê Anh Xuân và Hồng Tân đều đã hy sinh”.

Cũng như vậy, với trường hợp nữ nhà văn Dương Thị Xuân Quý. Hầu như hôm nay ai cũng biết đến tên tuổi của chị, bởi sự hy sinh quá lớn lao, ngay cả khi chị chưa nằm xuống vĩnh viễn trên mảnh đất Duy Xuyên, bởi người mẹ trẻ ấy đã nén lòng dám để lại đứa con gái mới 6 tháng tuổi ở Hà Nội cho bà ngoại nuôi, lên đường vượt Trường Sơn vào chiến trường để được tận mắt chứng kiến cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc và để viết về những người mình trực tiếp cùng sống, cùng chiến đấu.

Trong một buổi tưởng niệm nhà văn Dương Thị Xuân Quý đầy xúc động tại Đà Nẵng, nhà thơ Thanh Thảo đã nói hộ cho những người có mặt bằng bài phát biểu của mình: “Tại chiến trường Khu V, trong khi vừa làm rẫy, vừa đuổi lũ khỉ phá lúa, vừa viết, chị Quý đã để lại một truyện ngắn duy nhất, truyện Hoa rừng. Năm 2007, khi xét giải thưởng Nhà nước cho liệt sĩ - nhà văn Dương Thị Xuân Quý, có người trong ban giám khảo còn băn khoăn: “Tác phẩm của chị Quý còn “mỏng” quá!”.

Trời ơi, ngay sau khi viết xong truyện ngắn Hoa rừng ít ngày, chị Dương Thị Xuân Quý đã lao xuống chiến trường đồng bằng. Đó là chuyến đi chiến trường đồng bằng đầu tiên và cuối cùng của chị. Chẳng còn cơ hội để viết thêm một dòng chữ nào nữa, kể cả viết nhật ký. Tác phẩm văn học của nữ nhà văn Dương Thị Xuân Quý không thể tính bằng số trang, mà phải tính bằng máu của tác giả. Nếu đã tính bằng máu, thì làm sao biết máu ấy “mỏng” hay “dày”, làm sao đo đếm từng giọt máu ấy?”. Cũng trong buổi tưởng niệm ấy, thông tin cho biết lúc ấy lãnh đạo cũng không có ý định cử chị Quý xuống đồng bằng ngay, vì chị mới tiếp cận với chiến trường, mà địa hình đồng bằng phía đông Quảng Nam là rất ác liệt. Nhưng người phụ nữ ấy đã có một quyết định dứt khoát, tổ chức cũng đành phải tôn trọng nguyện vọng của chị, mặc dù ai cũng rất đắn đo, suy nghĩ.

Chúng ta còn nhắc đến bao nhiêu người nữa? Những Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn), Nguyễn Mỹ, Chu Cẩm Phong. Riêng Chu Cẩm Phong với gần nghìn trang nhật ký còn may mắn tìm lại được. Đó chưa phải là một cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh, nhưng những dòng nhật ký còn hơn biết bao nhiêu những áng văn chương được viết nên từ những nơi “hoa chăm cỏ xén, lối phẳng cây trồng!”.

“Tập nhật ký bắt đầu ghi từ ngày 11-7-1967 với câu: “Ở đây đã gần đồng bằng - nói đúng ra là gần trung châu - tiếng đại bác dưới Tư Nghĩa, Sơn Tịnh vọng đến ì ầm...” và kết thúc ở ngày 27-4-1971, với câu: “10 giờ, 2 chiếc phản lực đến thả bom và bắn đạn 20 ly, sau đó quân bộ kéo sang”. Nếu không trực tiếp sống giữa bom đạn chiến trường, làm sao có thể “sáng tác” được những câu văn như thế!

Trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, trong những năm tháng ấy còn có bao nhiêu tấm gương anh hùng ngã xuống vì quê hương, trong đó có nhiều gương mặt văn nghệ sĩ. Dọc con sông Thu Bồn, anh chị em văn nghệ báo chí đã về đây bám dân bám đất để sống và viết, tự nhận đây là quê hương nuôi mình trở thành dũng sĩ, và lần lượt nhiều người nối nhau hy sinh hai bên bờ con sông huyền thoại này.

Nơi đầu nguồn con sông, dưới chân dãy núi Ngọc Linh, nhà thơ Ngọc Anh, tác giả bài thơ Dưới bóng cây Kơ-nia; Nguyễn Mỹ, tác giả Cuộc chia ly màu đỏ làm xúc động hàng vạn trái tim người và Hà Xuân Phong, tác giả của hàng chục bức tranh mang đầy chất liệu và hơi thở chiến trường, các anh đã nằm lại nơi đây.

Rồi, 11 anh chị em văn công Quảng Đà, nhạc sĩ Văn Cận tài hoa, nghệ sĩ múa Phương Thảo trẻ đẹp, yêu kiều; các anh chị nhà văn, nhà thơ Nguyễn Trọng Định, Trần Vân Anh, Đinh Thành Lê, Nguyễn Hồng... đã hy sinh nơi những làng quê bị địch cày trắng bên con sông này.

Đó là chúng ta chưa kịp nói tới biết bao gương hy sinh anh dũng khác của hơn 200 văn nghệ sĩ và anh chị em báo chí của cả chiến trường Khu V, Khu VI trong chiến tranh, những con người tài hoa, trai trẻ, từ nhiều vùng quê khác nhau đến với chiến trường này; có những đoàn văn công hy sinh một lúc hàng chục diễn viên tài năng, đầy nhiệt huyết. Họ đã ngã xuống bên những trang bản thảo viết dở, mang theo bao nhiêu dự định sáng tác và bao mơ ước được diễn dưới ánh đèn sân khấu lộng lẫy trong tương lai.

Lịch sử của một nền văn nghệ cách mạng là gì nếu không phải là lịch sử của những con người đã sống và viết như một người chiến sĩ, đã hy sinh cả sự sống của mình để góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại hôm nay! Mỗi dòng mỗi chữ dù được viết nên trên những mẩu giấy thấm bụi đất chiến hào ấy đã trở thành tài sản vô giá đối với những người đang sống. Bởi điều giản đơn là chúng ta vẫn đang may mắn có mặt trong ngày hạnh phúc lớn lao của dân tộc.

Còn họ, họ đã vĩnh viễn nằm lại, không kịp trở về đoàn tụ với những người thân yêu, không kịp nhìn thấy tác phẩm của mình trên mặt báo, trên những ngăn sách. Nhưng điều an ủi với chúng ta, đó là những con người tài năng ấy, với thiên chức của người nghệ sĩ, đã kịp ghi lại một phần sự sống đau thương và vô cùng anh dũng ở nơi mà họ đã từng gắn bó máu thịt, ghi lại những gương mặt người quả cảm trước đạn bom, và vì vậy, họ vẫn hiện hữu đâu đây trên những vùng đất và trên những gương mặt con người. Họ đã không kịp trở về trong ngày toàn thắng, nhưng họ vẫn luôn có mặt!

 

Nguồn: Baodanang.vn