“Ghi điểm” trước cộng đồng DN

14/02/2020 04:18 PM


Những nỗ lực trong cải cách TTHC đã giúp BHXH Việt Nam “ghi điểm” trong mắt cộng đồng DN và NLĐ cũng như các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước. Với góc nhìn của một chuyên gia tư vấn về TTHC lĩnh vực Thuế- BHXH, bà Nguyễn Thị Cúc- Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, hoạt động cải cách này không chỉ khẳng định tính chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa của ngành BHXH, mà còn mang lại lợi ích xã hội rất lớn.

 

Bà Nguyễn Thị Cúc

* PV: Cải cách TTHC trong lĩnh vực BHXH là một trong tiêu chí để các tổ chức quốc tế đánh giá mức độ “hấp dẫn” của thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư. Bà đánh giá thế nào về những nỗ lực của BHXH Việt Nam trong vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018, với chỉ số nộp thuế, BHXH xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với Báo cáo 2017), Việt Nam đứng thứ 4 sau Singapore (thứ 7/190), Thái Lan (thứ 67/190), Malaysia (thứ 73/190). Hiện nay, bộ TTHC thuộc phạm vi quản lý của ngành BHXH được cắt giảm từ 263 xuống còn 27 thủ tục; thành phần hồ sơ giảm 32%; tiêu thức tờ khai, biểu mẫu giảm 42%; quy trình, thao tác thực hiện giảm 54%; thời gian giao dịch TTHC của DN giảm còn 51 giờ/năm…

Theo tôi, đây là thắng lợi lớn của ngành BHXH. Một mặt, cơ quan BHXH đã thực hiện thành công nhiệm vụ Chính phủ giao, tạo ấn tượng tốt cho các nhà đầu tư về sự cầu thị, cởi mở trong hệ thống văn bản pháp luật, TTHC để DN phát triển. Theo ghi nhận của chúng tôi, từ năm 2015 đến nay, BHXH Việt Nam đã tập trung hiệu quả nguồn lực cho công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC gắn với ứng dụng CNTT trên cơ sở hạn chế tối đa việc khai báo của cá nhân, tổ chức; tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin trong hệ thống BHXH và với các cơ quan nhà nước có liên quan; tăng cường công tác phổ biến tuyên truyền về chính sách pháp luật và các nội dung cải cách; tăng cường công tác kiểm tra, thực thi công vụ, thay đổi tác phong làm việc hướng tới phục vụ người dân và DN.

Đặc biệt, mỗi một thay đổi, cải cách của ngành BHXH đều mang lại những lợi ích rất lớn. Cắt giảm thời gian, cắt giảm số thủ tục, cũng như thành phần hồ sơ, tiêu thức, quy trình thao tác thực hiện TTHC… có thể giảm được rất nhiều chi phí cho hàng triệu người dân, DN. Việc đơn giản hóa TTHC cũng góp phần tăng sức thu hút người dân tham gia vào hệ thống chính sách BHXH, BHYT.

* Từ năm 2017 đến nay, BHXH Việt Nam luôn trong top đầu các cơ quan thuộc Chính phủ ứng dụng hiệu quả CNTT trong quản lý. Theo bà, điều đó có ý nghĩa như thế nào?

- Tại Báo cáo “Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-Truyền thông (ICT-index) Việt Nam năm 2017, 2018”, Bộ TT-TT đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công và giữ vị trí đứng đầu về ứng dụng CNTT trong nhóm các cơ quan thuộc Chính phủ.

 

Hoạt động cải cách TTHC của ngành BHXH đã được các DN đánh giá cao

Ý nghĩa của Bảng xếp hạng không chỉ dừng ở việc ghi nhận nỗ lực của từng cơ quan mà còn phản ánh mức độ “vào cuộc”, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong thực thi nhiệm vụ và phục vụ nhân dân. Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử, thế giới đang trong cuộc cách mạng công nghệ tạo ra sự thay đổi và tác động lớn đến kinh tế cũng như đời sống xã hội, thì việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các cơ quan Chính phủ. Không tiến lên, chúng ta sẽ lập tức trở thành lạc hậu, làm cản trở tiến trình phát triển của cả đất nước.

Việc BHXH vươn lên vị trí dẫn đầu trong Bảng xếp hạng ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến thực sự là một kỳ tích. Bởi, BHXH Việt Nam từng bị đánh giá là một trong những cơ quan có xuất phát điểm rất thấp về ứng dụng CNTT. Vào thời điểm Chính phủ bắt đầu thực hiện dự án Chính phủ điện tử, kết quả khảo sát của Dự án “Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện” (Dự án GIG) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ thực hiện cho thấy, hạ tầng kỹ thuật của BHXH Việt Nam về CNTT còn quá ít ỏi, nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu cải cách của đất nước và của Ngành. Có rất ít cơ sở để dám tin BHXH Việt Nam có thể thực hiện kịp với các bộ, ngành khác chứ chưa nói là đi trước một bước. Chúng tôi đã từng chứng kiến những hàng người xếp hàng cả ngày tại cơ quan BHXH giải quyết TTHC. Đó là sự lãng phí về thời gian, chi phí đi lại, chưa kể khối lượng văn bản hồ sơ in ra không thể tính đếm hết được. Đến nay, vấn đề này đã không còn là nỗi lo ngại của các DN, khi họ được hỗ trợ đắc lực bởi phương thức giao dịch điện tử…

Theo thống kê, hiện nay, ngành BHXH đã cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên 27 TTHC; thực hiện kết nối chia sẻ dữ liệu với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) để chia sẻ các thông tin về DN; với Bộ Y tế và các cơ sở KCB để sử dụng bộ mã danh mục dùng chung áp dụng trong quản lý KCB và thanh toán BHYT; với Bộ Tư pháp trong việc cung cấp thông tin đăng ký kê khai và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, thông tin về khai tử khi đối tượng hưởng chế độ từ trần…

* Theo bà, BHXH Việt Nam cần tiếp tục có những giải pháp nào để đáp ứng sự kỳ vọng của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu hiện đại hóa Ngành, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử?

- Hiện đại hóa hoạt động, hướng đến xây dựng Chính phủ điện tử là yêu cầu và cũng là thách thức không chỉ riêng của ngành BHXH, mà của cả hệ thống chính trị. Để hiện thực hóa mục tiêu này, trước tiên cần quyết tâm cao của người đứng đầu, lan tỏa ra toàn thể đội ngũ CCVC của từng đơn vị.

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận cả về cải cách TTHC, ứng dụng CNTT và một yếu tố cũng vô cùng quan trọng là có sự biến chuyển rõ nét trong tinh thần phục vụ, ý thức của mỗi CCVC BHXH. Trong đợt đi khảo sát thực tế tại các địa phương, điều chúng tôi ghi nhận được là sự tận tâm của đội ngũ cán bộ BHXH, không ngại “cầm tay chỉ việc” cho các cán bộ chuyên quản về chế độ, chính sách BHXH của các DN, sẵn sàng xuống từng DN hướng dẫn thao tác giao dịch điện tử, lập trình các tiêu thức hồ sơ…

Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành BHXH vẫn cần xác định rõ chiến lược trọng tâm của mình là tiếp tục đổi mới, hiện đại hóa công tác quản lý và CCHC, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các quy trình nghiệp vụ để tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT để các đơn vị, DN, người dân ngày càng được tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện các dịch vụ này, giúp giảm tối đa số thời gian thực hiện các thủ tục, giao dịch của đơn vị, DN và người dân với cơ quan BHXH. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường đẩy mạnh cắt giảm thành phần, số lượng giấy tờ, hồ sơ, giảm số giờ giao dịch BHXH của các đơn vị, DN; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các quy định về TTHC, không gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, cần vận động, khuyến khích phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Tiếp tục hiện đại hoá hành chính thông qua việc tổ chức thực hiện hiệu quả công tác giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến; tăng tốc độ xử lý giao dịch thu nộp, chi trả BHXH điện tử; đồng thời nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công trực tuyến...

* Trân trọng cảm ơn bà!

- Theo Báo BHXH