Hướng dẫn tạm dừng đóng BHXH đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19

26/03/2020 04:37 PM


Liên ngành BHXH tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Sở Tài Chính vừa ban hành hướng dẫn về tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19. 

Ảnh minh họa

Theo đó, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật BHXH năm 2014; các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ và Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng. Thời điểm tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tính từ tháng người sử dụng lao động có văn bản đề nghị. Đối với các đơn vị đã gửi văn bản đề nghị cho cơ quan BHXH nhưng chưa kèm hồ sơ thì thực hiện từ tháng đơn vị gửi văn bản (sau khi đơn vị bổ sung đầy đủ hồ sơ).

Đối với trường hợp tạm ngừng đóng do đơn vị không bố trí được việc làm cho người lao động thì đơn vị làm văn bản đề nghị kèm theo danh sách lao động tại thời điểm trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh và tại thời điểm đề nghị cùng danh sách lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc gửi đến cơ quan Lao động Thương binh và Xã hội để xem xét, xác nhận. Cụ thể: Đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc bộ, ngành trung ương quản lý thì gửi các bộ, ngành xác nhận. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc UBND tỉnh quản lý thì gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh xác nhận. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố quản lý thì gửi Phòng Lao động Thương binh và Xã hội địa phương xác nhận. Trong thời gian 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị của đơn vị, cơ quan, tổ chức sẽ xem xét, xác định và có văn bản trả lời.

Trường hợp tạm dừng đóng đối với đơn vị bị thiệt hại tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra thì đơn vị làm văn bản đề nghị kèm theo báo cáo kiểm kê tài sản gần nhất trước thời điểm bị thiệt hại và biên bản kiểm kê tài sản xác định bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) gửi tới cơ quan tài chính để xem xét, xác nhận. Cụ thể: Đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ, ngành Trung ương quản lý thì gửi các cơ quan Tài chính của Bộ, ngành hoặc Bộ Tài chính xác nhận. Đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc UBND tỉnh quản lý thì gửi Sở Tài chính tỉnh phối hợp với các cơ quan có liên quan xác nhận. Đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố quản lý thì gửi Phòng Tài chính địa phương phối hợp với phòng ban có liên quan xác nhận. Thời gian xem xét, xử lý hồ sơ tương tự với trường hợp tạm ngừng đóng do đơn vị không bố trí được việc làm cho người lao động.

Trên cơ sở xác nhận của cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan Tài chính, BHXH tỉnh, BHXH cấp huyện sẽ xem xét thông báo thời gian tạm dừng đóng cho đơn vị sử dụng lao động theo địa bàn quản lý thu. Thời hạn giải quyết trong 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị của đơn vị.

Trong thời gian được tạm dừng đóng, đơn vị sử dụng lao động vẫn phải đóng vào các quỹ: Ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, BHYT và BHTN với tỷ lệ là 10% quỹ tiền lương. Trường hợp, người lao động nghỉ việc, di chuyển hoặc giải quyết chế độ BHXH thì doanh nghiệp đóng đủ tiền BHXH, BHYT, BHTN, BH TNLĐ-BNN và tiền lãi chậm đóng (nếu có) đối với người lao động đó để xác nhận sổ BHXH. Hết thời hạn được tạm dừng đóng, doanh nghiệp tiếp tục đóng đầy đủ vào các quỹ theo phương thức đã đăng ký và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Tiền đóng bù không bị tính lãi chậm đóng.

Phạm Lê Hoài