Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sau 4 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung năm 2014 đạt những kết quả khích lệ

08/05/2020 05:13 PM


Năm 2014, Luật BHXH (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Luật BHXH (sửa đổi) là cơ sở pháp lý để cơ quan BHXH thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, tạo thuận lợi trong việc mở rộng đối tượng tham gia và thụ hưởng các chính sách về BHXH toàn quốc nói chung, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng.

Cán bộ chuyên quản Phòng Quản lý thu BHXH tỉnh trao đổi nghiệp vụ với đơn vị SDLĐ. Ảnh: Thanh Dũng

Năm 2015, toàn tỉnh có 143.213 người tham gia BHXH, qua 4 năm thực hiện Luật BHXH (sửa đổi) thì đến cuối năm 2019 toàn tỉnh đã có 191.532 người tham gia kể cả BHXH bắt buộc và tự nguyện. Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014 đã mở rộng đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng, áp dụng từ ngày 1/1/2018; Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018; Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn. Như vậy, theo Luật BHXH 2014, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đã bao phủ gần như toàn bộ người lao động có quan hệ lao động. Bên cạnh đó, Luật BHXH 2014 cũng bỏ qui định về tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện, chỉ qui định người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam, đủ 15 tuổi trở lên.

Theo đó, năm 2016 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tăng lên đáng kể. Tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc năm 2016 là 157.393 người, tăng 9,8% so với năm 2015, trong đó có 4.000 đối tượng bán chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện lại giảm đi đáng kể do đối tượng bán chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn trước đây tham gia BHXH tự nguyện, nay chuyển sang tham gia BHXH bắt buộc.

Năm 2017, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 162.594 người, tăng 3,3% so với năm 2016. Tổng số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là 2.392 người, tăng 4,6% so với năm 2016. Nhìn chung, trong năm 2017, đối tượng tham gia BHXH có tăng nhưng không đánh kể, một phần do chính sách tinh giảm biên chế của Đảng và Nhà nước làm cho khối HCSN, xã, phường giảm nhiều; hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn nên đã thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động.

Theo quy định mới của Luật BHXH thì có tăng thêm 2 đối tượng: lao động hợp đồng từ 1 đến dưới 3 tháng và lao động là người nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm 2018, do chưa có văn bản hướng dẫn về việc thu đối tượng lao động là người nước ngoài tại Việt Nam nên BHXH tỉnh chưa triển khai thu đối tượng này. Tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc năm 2018 là: 178.253 người, tăng 9,8% so với năm 2017. Đối tượng BHXH tự nguyện:  2.138 người.

Bên cạnh đó, trên cơ sở Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 25/10/2018 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 416/KH-UBND ngày 18/01/2019 về việc triển khai thực hiện Chương trình hành động số 17-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2948/KH-UBND ngày 28/5/2019 về thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH. Kết quả năm 2019, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 184.758 người, tăng 3,6% so với năm 2018; đặc biệt, toàn tỉnh đã phát triển hơn 300 đối tượng là lao động người nước ngoài tại Việt Nam. Bằng nhiều biện pháp trong công tác tuyên truyền và vận đội thì đối tượng BHXH tự nguyện cũng tăng lên đáng kể, tổng số đối tượng tham gia là 6.774 người, tăng 4.636 người, tăng 3,2 lần so với cuối năm 2018.

Nhìn chung qua 4 năm thực hiện Luật BHXH (sửa đổi) công tác phát triển đối tượng tham gia trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, toàn tỉnh đã phát triển trên 48.300 lao động so với cuối năm 2015, tăng 2,32% so với lực lượng lao động toàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác phát triển đối tượng tham gia vẫn còn những hạn chế nhất định như: Tình hình kinh tế thế giới trong những năm gần đây còn nhiều biến động, ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Quảng Nam nói riêng nên một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dẫn đến phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất đã ảnh hưởng rất lớn đến việc trích nộp BHXH cho người lao động, nợ đọng kéo dài. Việc chấp hành Luật Lao động, Luật BHXH ở một số đơn vị SDLĐ chưa tốt. Hiện tượng trốn tránh tham gia BHXH cho người lao động hoặc tham gia không đủ số lao động đang làm việc tại đơn vị vẫn còn xảy ở nhiều doanh nghiệp. Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn nhân dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên thu nhập thấp, không ổn định; mức hỗ trợ của Nhà nước còn rất thấp nên chưa khuyến khích người dân tham gia; một số đại lý thu BHXH, BHYT hoạt động chưa thực sự hiệu quả do nhân viên đại lý thu đa số phải kiêm nhiệm nhiều việc. Đặc biệt trong những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, công tác duy trì và phát triển đối tượng tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh lại gặp nhiều khó khăn, tính đến cuối tháng 4/2020, toàn tỉnh hiện nay còn 176.444 người tham gia BHXH, giảm trên 15.300 đối tượng tham gia, (trong đó có 10 đơn vị thực hiện thủ tục tạm dừng đóng với 3.382 lao động, tổng số tiền tạm dừng đóng trên 10,7 tỷ đồng).

 

Thanh Trung - Văn phòng