Dự kiến 1 triệu lao động sẽ được đào tạo lại nghề từ nguồn kết dư quỹ BH thất nghiệp

11/05/2020 08:38 AM


Để khôi phục và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề để tăng năng suất lao động.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, trong bối cảnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19, có tới 86% số DN bị ảnh hưởng, doanh thu giảm còn 70%; khu vực DN nhỏ và vừa; khu vực du lịch, hàng không, dịch vụ và lao động tự do bị ảnh hưởng nghiêm trọng; 26% DN tạm dừng hoạt động hoặc ngừng việc, giãn việc và mất việc.

Trong bối cảnh đó, nhiều DN đã rất nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh DN; nhiều NLĐ cũng có sự chia sẻ, cùng DN chung tay vượt qua khó khăn, như: DN trả lương cơ bản cho NLĐ, nhiều nơi NLĐ tự nguyện giảm một phần thu nhập của mình để chia sẻ khó khăn với DN. Đặc biệt, để đồng hành cùng DN và người dân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/QĐ-TTg về hỗ trợ NLĐ bị giảm thu nhập dưới mức tối thiểu từ gói 62.000 tỷ đồng và dự kiến hỗ trợ cho trên 20 triệu lượt đối tượng.

Đáng chú ý, trong 7 nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ, có nhóm lao động trong các DN bị tạm hoãn hợp đồng, lao động nghỉ không hưởng lương, lao động bị chấm dứt hợp đồng, lao động không đủ điều kiện hưởng BH thất nghiệp, lao động tự do, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, Chính phủ cũng quyết định hỗ trợ DN gặp khó khăn, đủ điều kiện về số lao động bị mất việc, phải cắt giảm sản xuất kinh doanh được tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Cũng theo ông Đào Ngọc Dung, Chính phủ và các bộ, ngành, nhất là các địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai đúng, kịp thời, công khai, minh bạch gói hỗ trợ đến các đối tượng. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai, hỗ trợ trên 20.000 tỷ đồng; 45/63 tỉnh đã rà soát xong và cơ bản bắt đầu chi trả hỗ trợ từ hôm nay (9/5) cho nhóm lao động tự do, lao động dừng hợp đồng, với con số chi phí ước tính khoảng 7.630 tỷ đồng; 47 tỉnh đã triển khai giải quyết việc tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 900 DN với 80.000 lao động và số tiền dừng đóng trên 300 tỷ đồng...

Với chủ trương, quyết sách của Chính phủ và nỗ lực vượt qua thách thức, đón thời cơ để phục hồi kinh tế, thì số người mất việc hàng tháng sẽ quay về mức trung bình trong dài hạn (khoảng 70.000-80.000 người), lao động mất việc làm hàng tháng sẽ từng bước quay lại thị trường lao động. Trước tình hình đó, các địa phương và DN cần triển khai đúng và hiệu quả Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời cần ưu tiên tái cấu trúc lại nguồn nhân lực đi đôi với đổi mới công nghệ và chuỗi giá trị.

Theo ông Đào Ngọc Dung, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã khuyến cáo về việc khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, trong đó yêu cầu sống còn là phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động. Hệ lụy của cắt giảm nhân sự hàng loạt là chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn, hoặc DN sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động khi hoạt động sản xuất được quay trở lại. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành 3.000-5.000 tỷ đồng từ nguồn kết dư quỹ BH thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động. Theo đó, dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại và cấp chứng chỉ.

“Về phương thức, chúng ta sẽ tập trung đào tạo và đào tạo lại tại DN gắn với trường nghề, gắn hoạt động trực tiếp của DN, do DN triển khai và cấp tiền trực tiếp cho DN. Mặt khác, Bộ LĐ-TB&XH sẽ triển khai cấp phép lao động cho chuyên gia, nhà quản lý và lao động kỹ thuật nước ngoài vào Việt Nam một cách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội”- ông Đào Ngọc Dung khẳng định.

Nguyệt Hà

Nguồn: tapchibaohiemxahoi.gov.vn