BHYT đồng hành cùng bệnh nhân chạy thận
11/05/2020 08:41 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Dù dịch Covid-19 đã tạm lắng, nhưng những cư dân “xóm chạy thận Lê Thanh Nghị” (khu nhà trọ cho bệnh nhân chạy thận ở số 121 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn không khỏi xúc động trước sự giúp đỡ từ chính quyền, các nhà hảo tâm và đặc biệt là tấm thẻ BHYT- điểm tựa giúp họ vượt qua khó khăn.
Mấy ngày nay, cư dân xóm chạy thận phố Lê Thanh Nghị vẫn theo dõi sát sao tình hình dịch Covid-19 qua báo, đài. Nhắc lại thời điểm phát hiện bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên tại BV Bạch Mai, bà Thảo (61 tuổi, Hà Nam) vẫn còn sợ, bởi những người như bà buộc phải ra vào BV mỗi ngày, đối mặt với nhiều hiểm nguy rình rập. “Sức khỏe kém lại nhiều bệnh kèm theo nên mấy ngày đầu, chúng tôi thức trắng đêm lo nghĩ, thỉnh thoảng lại sờ trán xem có nóng sốt không…”- bà Thảo nhớ lại.
Đều đặn 3 lần/tuần, các bệnh nhân chạy thận bắt buộc phải vào BV. Đối với họ, việc chạy thận cũng như ăn cơm hằng ngày, bỏ bữa nào là đói và mệt bữa đó. Anh Hòa (36 tuổi, Hưng Yên) kể: “Lúc nhận thông báo có người trong BV nhiễm, cả xóm đều sợ hãi, ai nấy đều bịt khẩu trang kín mít, không dám ra khỏi xóm trọ nửa bước. Chỉ đợi đến giờ chạy thận thì đi thẳng vào BV, xong lại về xóm ngay lập tức”.
Từ ngày 30/3, khi BV Bạch Mai được coi là ổ dịch lớn, 131 bệnh nhân trong xóm đều được cách ly ngay tại xóm. Mất nguồn thu nhập từ bán nước chè trong BV, bữa ăn hằng ngày của mẹ con bà Nguyễn Thị Xinh (74 tuổi, quê Ba Vì, Hà Nội) phải phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Riêng chi phí chạy thận và tiền thuốc của con gái, bà Xinh hoàn toàn yên tâm vì đã có quỹ BHYT chi trả. “Năm nay là năm thứ 13, tôi cùng con gái sống trên đất Thủ đô. Những ngày này, dù mất việc làm nhưng vẫn có các nhà hảo tâm giúp đỡ, từ cân gạo, gói mì cho đến mắm muối. Cũng may, tiền chạy thận đã được BHYT lo, chứ không thì chết chắc”- bà Xinh kể.
Anh Mai Anh Tuấn (43 tuổi, quê Ba Vì, Hà Nội)- “trưởng xóm” chạy thận Lê Thanh Nghị cho hay, hầu hết mọi người trong xóm đều có các công việc làm thêm như bán nước chè, chăm sóc bệnh nhân, đánh giày, bán hoa quả, chạy xe ôm… nên khi phải thực hiện cách ly, cuộc sống của mọi người đều rất khó khăn. Tuy nhiên, ngay từ ngày đầu tiên thực hiện cách ly, bà con đã được chính quyền địa phương hỗ trợ tổng cộng 1 tấn gạo và mỗi bệnh nhân còn được thêm 1,2 triệu đồng… Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân hảo tâm cũng đã hỗ trợ thêm nên không ai phải thiếu thốn.
Cũng theo anh Tuấn, chạy thận với tần suất 3 lần/tuần khiến chi phí một năm có thể tới gần 200 triệu đồng. Nếu không có quỹ BHYT chi trả phần lớn số tiền này thì không ai trong xóm trọ có đủ khả năng cầm cự quá 3 tháng. Chính vì có sự đồng hành của tấm thẻ BHYT, các bệnh nhân trong xóm trọ phần nào yên tâm điều trị và vượt qua đại dịch.
Thanh Hằng
Nguồn: tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Đảm bet365 tiếng việt_đặt cược bet365_cách vào bet365 an sinh xã hội cho lao động giúp việc gia ...
Motion graphic - Chế độ Thai sản
Motion graphic - Chế độ Tử tuất
Hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp bởi dịch ...